Đi làm để làm gì?

Đi làm để làm gì?

  Kinh nghiệm    —  2021, Feb 24    

Tình cờ lướt LinkedIn và có đọc được 1 bài post hay nói về mục đích đi làm để trả lời cho câu hỏi: Đi làm để làm gì?

Chi tiết mình post lại ở dưới. Mục đích note lại đồng thời cũng share lại cho những ai cần quan tâm.

⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓⇓

Đầu năm share một bài viết của mình được nhiều bạn trẻ ngành IT quan tâm.

Mấy tuần nay mình mệt lử, đi làm về gần như sập nhưng ngủ một giấc thì lại khỏe, đến hôm sau lại thèm đi làm.

Sáng nay, vô tình trong một cuộc họp giữa sếp với 1 nhân viên mà mình dịch, mình có hỏi thêm anh ấy: “Anh còn sợ sếp nữa không?”, anh ấy cười tươi rạng rỡ nói: “Nói chuyện nhiều với sếp nên không còn sợ nữa rồi, nhưng mà làm nhiều mệt ra phết”.

Sếp mình bảo: “Ôi tốt quá, mệt như vậy thì ngủ ngon đúng không. Vì mệt chứng tỏ mình đã tích cực làm việc nhỉ.”

Anh ấy bảo đúng vậy, anh ấy cảm thấy mình có giá trị hơn, mình được cống hiến.

Một câu chuyện đơn giản đầu giờ sáng cũng làm mình thấy có động lực và đồng cảm.

Vậy đi làm để làm gì?

Trước đây mình chẳng biết và cũng chưa bao giờ tự hỏi. Cứ đi làm thôi, vì mọi người cũng thế. Mỗi người có một mục đích khác nhau khi đi làm nhưng nhiều người khi được hỏi thì đa số trả lời là để kiếm tiền.

Ok, vậy kiếm bao nhiêu tiền? 50 triệu, 100 triệu hay bao nhiêu?

Kiếm được mức đó rồi thì bạn lại đi làm làm gì nữa?

Cũng có người bảo càng kiếm được tiền lại càng muốn nữa. Đi làm để kiếm tiền mua nhà, mua ô tô, nâng cao đời sống sinh hoạt…

Ok, vậy kiếm được hết rồi thì bạn lại đi làm làm gì nữa?

Vì nhu cầu con người luôn tăng lên nên vẫn phải kiếm nữa, kiếm kiếm kiếm mãi… Lúc có tiền sẽ muốn có nhiều tiền hơn…

Mình là người thích tiền như nhiều người nhưng bây giờ mình hiểu mục tiêu đi làm của mình không phải vì tiền nữa. Không phải vì lương đã cao rồi cũng không phải vì nhà có điều kiện rồi.

Ở công ty cũ, mình được làm những việc mình thích như tổ chức các phong trào văn nghệ cho công ty, các hoạt động gắn kết phòng ban…nên lúc nào cũng vui vẻ nhưng mình vẫn không thích đi làm lắm.

Và có một điều giờ nghĩ lại mình mới nhận ra là các sếp cũ chưa bao giờ hỏi mình:

  • “Em muốn làm gì?”
  • “Tương lai em muốn trở thành người như thế nào?”,
  • “Mục tiêu công việc của em là gì?”
  • “Em định phát triển bản thân ra sao?”

Chính vì thế mà mình chẳng đặt ra mục tiêu gì ở công ty cũ. Mình cứ tự phát triển như cỏ dại, không được training trong dự án nên mình cũng chẳng biết phải tự học như thế nào. Lúc rảnh, mình cày phim để luyện tiếng Nhật, học thêm tiếng Anh hoặc có khi dịch thêm tài liệu, sách truyện, lúc thì đi dịch đổi gió lúc thì tham dự hội thảo hội nghị của các anh chị phiên dịch chuyên nghiệp…để nâng cao khả năng ngoại ngữ. Cũng có ước mơ, hoài bão là trở thành phiên dịch thật giỏi trong ngành, thế thôi chứ chẳng nghĩ gì hơn. Cuối cùng sau một thời gian mình cũng nhận ra là mình đang dậm chân tại chỗ và mạnh dạn quyết định thoát khỏi vùng an toàn.

Đến bây giờ, ở công ty mới, làm việc với một ông sếp khó tính, khác biệt nhưng lại logic, thuyết phục . Chính vì thế mình nhận ra được nhiều điều khiến mình thấy hơn 1 năm nay mình học được nhiều hơn 4-5 năm đã đi làm trước đó. Vì lần đầu tiên mình được hỏi về career path (định hướng nghề nghiệp), hỏi về mục tiêu cuộc đời, hỏi về kế hoạch cho mục tiêu đó.

Chính ông sếp này cho mình biết mình đi làm để làm gì. Lương không phải là mục tiêu của việc đi làm bởi vì đi làm thì có nghĩa là được trả lương rồi. Lương được tăng hay thưởng được nhiều hơn chỉ khiến bạn vui vài ngày, nó chỉ là động lực cho bạn một thời gian ngắn. Còn cái tạo động lực lớn nhất đó chính là sự phát triển bản thân, mình đã học hỏi được gì, đã phát triển như thế nào so với trước. Mỗi ngày khi làm việc, mình thử sức với những cách làm mới, tiếp xúc với những đồng nghiệp khác nhau, tranh luận, phản biện hay tự tìm tòi, phân tích, mình học hỏi thêm được gì đó, nâng cao được kỹ năng nào đó sẽ khiến mình có động lực nhiều hơn, muốn cống hiến hơn và chính ở đó, đam mê sẽ được sinh ra. Vậy nên không làm việc, không học hỏi thì không biết mình đam mê gì là vì vậy. Có nghĩa là, đi làm là để phát triển bản thân.

Mình may mắn chọn được một công ty lớn và tốt, có môi trường học hỏi, phát triển và đặc biệt là công ty chỉ tuyển những bạn xuất sắc, ưu tú khiến mình có cơ hội được làm việc với những người giỏi, tích cực.

Mà một khi mình như vậy, mình tích cực thì lại hút những người tích cực, ham học hỏi và cứ thế động lực phát triển bản thân lại tăng lên.

Một điểm chung mình thấy ở những người này khi các bạn đến phỏng vấn ở công ty mình, điều mà các bạn quan tâm nhất không phải là lương hay chế độ, mà là môi trường phát triển bản thân, cơ hội cống hiến. Cũng nhờ vậy mà giờ khi làm tuyển dụng, mình dễ lọc được đâu là talent, bởi các bạn này sẽ không bao giờ hỏi mức lương công ty trả cho vị trí này là bao nhiêu hoặc rất hiếm khi, các bạn sẽ hỏi câu này sau cùng.

Bởi nếu mục tiêu khi đi làm là để tăng lương thì bạn sẽ rất mệt mỏi và nó mãi không kết thúc.

Còn khi mục tiêu là phát triển bản thân, mỗi ngày mình rèn luyện thêm một chút, học hỏi thêm một chút rồi thì từ đó, kết quả nó tự đến. Đó là được ghi nhận, được tăng lương, được thêm thưởng. Có nghĩa là lương sẽ là kết quả chứ không nên đặt nó là mục tiêu. Khi mình đã giỏi các kỹ năng và chuyên môn rồi mà công ty không tăng lương cho mình thì cũng không cần phải bất mãn, than phiền về công ty bởi vì mình đã nhận được học được rất nhiều rồi. Còn nếu công ty không tăng lương cũng như không có, không còn cái gì để học nữa thì lúc này nên dứt khoát ra đi, vì ngoài thị trường đang có rất nhiều công ty khác để mình có thể học hỏi được hoặc cần những kỹ năng của mình.

Tóm lại, lan man cuối tuần một tí sau một tuần “mệt mỏi” nhưng có thành quả. 

Mình cũng đang thay đổi thói quen sinh hoạt của bản thân bằng cách:

  • Follow những người giỏi, tích cực
  • Không nói chuyện, không chia sẻ mục tiêu với những người tiêu cực
  • Mỗi ngày phải học được một cái gì mới
  • Mỗi tuần đọc một quyển sách
  • Luôn tươi cười với tất cả

Và đã có kế hoạch cụ thể cho mục tiêu nghề nghiệp, mục tiêu cuộc đời rồi.

Các bạn có chưa? 

Nguồn: st